Từ bây giờ, dù lương thấp hay cao, hãy tích lũy ngay 10% tiền lương hàng tháng để dự phòng rủi ro cho thời gian mất việc làm theo nguyên tắc tiết kiệm sớm và đều đặn.
Thất nghiệp là điều có thể xảy đến với bất kỳ ai đi làm công ăn lương. Thất nghiệp có thể chia thành hai loại: Thất nghiệp bị động, tức là có sự cố từ cá nhân bạn hoặc từ công ty, dẫn đến bạn mất việc làm; Trường hợp thứ hai là thất nghiệp tự nguyện, tức là bạn chủ động xin nghỉ việc để tự kinh doanh hoặc tìm công việc mới.
Dù là thất nghiệp bị động hay thất nghiệp tự nguyện thì chúng ta luôn luôn phải đối diện với vấn đề về tài chính. Cho nên, dù bạn đang đi làm hay đang có ý định nghỉ việc thì cũng nên vẽ trước cho bản thân một bức tranh tài chính. Để nếu không may có bị rơi vào tình trạng thất nghiệp thì cũng không bị động.
Đặc biệt là trong thời kỳ Vuca này - Thời kỳ mà tất cả mọi thứ đều không có gì là chắc chắn, bao gồm cả việc bạn đang có một công việc ổn định. Cho nên, việc lập một kế hoạch cho thời gian thất nghiệp này không thừa đâu bạn nhé!
Như trong bài viết Những việc cần làm khi thất nghiệp mình đã có trao đổi về các lưu ý cần chuẩn bị để không rơi vào trạng thái bị động như: kiểm tra lại khả năng tài chính, tham gia một khóa học, đi du lịch đâu đó, phân tích đánh giá lại bản thân, lên kê hoạch tìm việc làm. Và trong bài viết này, mình cùng nhau đi sâu hơn về cách kiểm tra khả năng tài chính làm sao để có thể sống sót thoải mái qua thời gian này. Mình cùng nhau tìm hiểu nha!
Rà soát ngay tình hình tài chính cá nhân
Tính toán các khoản phải trả hàng tháng: Để có một bức tranh tổng thể về tình hình tài chính cá nhân, thì đầu tiên bạn phải tính toán các khoản nợ mà bạn đang phải trả hàng tháng. Nó có thể bao gồm các khoản vay bạn bè, người thân, hoặc các khoản vay tiêu dùng phải trả hàng tháng, các khoản trả góp bằng thẻ tín dụng.
Sau đó cộng tất cả chúng lại, xem một tháng bạn đang chi trả bao nhiêu tiền. Và tổng khoản phải trả hàng tháng đó đang chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng thu nhập của bạn. Nếu từ 40% trở lên, thì tình hình tài chính của bạn đang ở mức báo động nếu bạn bị mất nguồn tiền vào hàng tháng.
Kiểm tra năng lực tài chính cá nhân: Sau khi tính được các khoản nợ phải trả hàng tháng rồi, bạn lấy tổng tiền tích lũy trừ đi tổng các khoản nợ, nếu ra số âm có nghĩa là bạn đang mất khả năng cân đối tài chính. Đồng nghĩa là nếu có phát sinh các rủi ro như mất việc làm, bạn sẽ không có gì để trang trải cho cuộc sống bình thường của mình. Tất nhiên, ở đây mình đang đưa ra tình huống là bạn đang đi làm công ăn lương và chỉ có một nguồn thu duy nhất.
Và có thêm một lưu ý, nếu bạn đã đi làm từ 12 tháng trở lên có tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp thì bạn sẽ được nhận một số khoản tiền khi nghỉ việc như: Trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp...Đây cũng là một nguồn tiền có thể bổ sung vào nguồn thu của bạn trong thời gian thất nghiệp mà bạn có thể cộng vào để tính toán trong kế hoạch tài chính này.
Dự phòng ít nhất 6 tháng sinh hoạt phí
Như trong bước đầu tiên mình rà soát để kiểm tra sức khoẻ tài chính cá nhân, thì nếu bạn không có một khoản tích luỹ ngay từ bây giờ thì bạn sẽ gặp khó khăn nếu mất việc làm. Cho nên, việc tiếp theo bạn phải làm là cố gắng trả dứt điểm các khoản nợ trước khi có quyết định nghỉ việc là tốt nhất.
Và từ bây giờ, dù lương thấp hay cao, hãy tích lũy ngay 10 - 20% tiền lương hàng tháng để dự phòng rủi ro cho thời gian mất việc làm theo nguyên tắc tiết kiệm sớm và đều đặn. Đảm bảo bạn có một khoản tiền, ít nhất có thể đủ trang trải tối thiểu trong 6 tháng thất nghiệp.
Lưu ý là khoản tích lũy 10 - 20% này không dùng được dùng đến, mà hãy quên nó đi bạn nhé! Chỉ dùng đến trong trường hợp khẩn cấp như thất nghiệp hay đau bệnh bất ngờ. Bạn có thể gửi để dành bằng cách gửi góp hàng tháng để gia tăng giá trị tích lũy, đồng thời có thể rút ra bất cứ lúc nào khi cần.
Phân biệt được tài sản và tiêu sản
Mình đưa thêm khải niệm này vào bởi vì nhiều bạn dù đi làm mức lương chỉ đủ sống, nhưng vẫn có thể sẵn sàng mua sắm điện thoại xịn hoặc xe đẹp cao gấp hơn 10 lần thu nhập của mình. Nó không là vấn đề gì nếu bạn đã có khoản dự phòng hoặc một khoản tích lũy đủ lớn.
Nếu bạn rơi vào trường hợp mua món đồ này bằng lương hàng tháng, thì bạn bên cân nhắc bằng cách phân biệt nó là tài sản mà là tiêu sản. Vậy mình cùng tìm hiểu hai khái niệm này trong phương pháp quản lý tài chính cá nhân nhé!
Tiêu sản: Là những vật dụng mà bạn bỏ tiền túi ra mua để thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của mình. Và giá trị nó sẽ giảm dần theo thời gian.
Tài sản: Là những vật dụng mà bạn bỏ tiền ra mua và nó sẽ sinh ra lợi nhuận cho bạn và cứ thế tăng theo thời gian.
Và rõ ràng: xe xịn, điện thoại đẹp lúc này như một món đồ trang sức để thể hiện đẳng cấp, như vỏ bọc bên ngoài của bạn mà thôi, nó là tiêu sản. Nên hãy cân nhắc mua loại vừa đủ phục vụ cho công việc và cuộc sống của bạn.
Thời hiện đại, việc quá tằn tiện trong việc chi tiêu có thể không quá cần thiết và làm bản cảm thấy không thoải mái. Sống là phải biết tận hưởng đúng không nào? Mình hoàn toàn đồng ý quan điểm này, nhưng hãy tận hưởng khi bạn thực sự đạt mức ổn định tài chính. Tức là có dự phòng rủi ro chứ không phải giàu có bạn nhé!
Cuộc sống luôn có những bất ngờ mà bạn không thể né tránh được. Hãy luôn luôn trong tư thế sẵn sàng để đón nhận nó, có như vậy bạn sẽ hạn chế được tối đa những rủi ro mà nó mang lại. Chúc bạn sẽ có một kế hoạch tài chính cá nhân hoàn hảo.