Xem video English lesson for job interviews trên Tiktok. XEM NGAY

Khi nào nên mua xe hơi?

Tìm hiểu tại sao việc mua xe hơi có thể là quyết định đúng đắn cho cuộc sống của bạn, mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn.



Khi kinh tế ngày càng phát triển và cuộc sống mỗi người đang dần tốt lên, thì việc sở hữu một chiếc xe hơi tầm thấp hoặc tầm trung không còn quá khó khăn với nhiều người đi làm văn phòng. Tuy nhiên, với những người sống bằng nguồn thu nhập chính là lương thì thời điểm nào sở hữu xe hơi là hợp lý? Nếu tài chính bạn chưa đủ thì có nên mua trả góp hay không? Cùng nhau tìm hiểu bạn nhé!

Xe hơi là tài sản hay tiêu sản?

Xe hơi sẽ là tài sản nếu bạn mua nó với mục đích phục vụ việc sinh ra tiền. Hoặc tần suất sử dụng cao thì có thể nó vẫn là tài sản. Trường hợp 1 là bạn mua để kinh doanh, chạy dịch vụ, cho thuê... Trường hợp 2 là thay vì bạn sử dụng taxi công cộng, grab...nhưng chi phí hàng tháng cao hơn chi phí khấu hao nếu sở hữu chiếc xe hơi.

Còn trường hợp mua xe hơi chỉ vì tạo hình ảnh, cho oai với bạn bè, trong khi phải dùng hết số tiền để dành cộng thêm vay ngân hàng trong khi nhu cầu sử dụng thấp, một năm chỉ dùng để về quê vài ba lần thì lúc này nó là tiêu sản. Và nếu bạn rơi vào trường hợp này thì mình nghĩ chưa nên mua. 

Các lý do thôi thúc bạn mua xe hơi?

Khi bạn đi làm và bắt đầu có một vị trí, chức vụ nào đó trong xã hội thì việc muốn sở hữu một chiếc xe hơi để nâng cao hình ảnh bản thân và tạo sự thu hút khi đi làm việc là điều bình thường. Tuy nhiên, nó đã thực sự cần thiết so với tình hình tài chính hiện tại hay không? 

Và việc nâng cao hình ảnh, giá trị bản thân bằng chiếc xe hơi này có giúp bạn tạo thêm giá trị gì trong công việc hay không? Vì rõ ràng bạn vẫn có thể sử dụng taxi, grab cho các chuyến đi công việc, gặp gỡ đối tác bạn bè với chi phí tiết kiệm hơn.

Xe hơi cũng như các thiết bị điện tử khác sẽ mất giá rất nhanh theo thời gian do công nghệ thay đổi liên tục, nên bạn đừng hy vọng việc bán lại kiếm lời. Đồng thời đi kèm hàng năm là phí cầu đường, bảo trì, sửa chữa, đăng kiểm...Và đặc biệt là chi phí gửi xe khá đắt đỏ mỗi ngày khi bạn dùng nó làm phương tiện đi làm hàng ngày.

Lý do tiếp theo là mua xe để có cái chở gia đình về quê hàng tháng hoặc đi du lịch đâu đó khi cảm thấy stress. Lý do này cũng vô cùng hợp lý luôn, không ai có thể phủ nhận được. Mua xe vừa có cái che nắng che mưa, vừa gắn kết gia đình.

Tuy nhiên, sau vài chuyến đi vô cùng thích thú và hưng phấn vì được tự tay cầm vô lăng bon bon cùng cả nhà yêu đi đây đó. Rồi cảm giác sung sướng khi về quê ngẩng cao đầu với chòm xóm vì đi xe hơi về thì còn gì bằng. Nhưng nó sẽ trôi qua nhanh lắm. Sau đó là bài toán đóng tiền góp hàng tháng, sao nó tới nhanh vậy, rồi bảo trì bảo dưỡng...

Nếu bạn thực sự chưa ổn về kinh tế, hãy tạm thời thuê xe dịch vụ, xe tự lái mỗi khi có nhu cầu đi chơi xa. Tất nhiên, nó sẽ không thoải mái bằng đi xe của mình nhưng cũng đâu đến nỗi quá tệ phải không nào? Chỉ là trì hoãn lại một chút xíu thời gian.

Lương bao nhiêu thì nên mua xe hơi?

Câu hỏi lương bao nhiêu thì nên mua xe hơi đặt ra cho những bạn chưa thực sự vững mạnh về tài chính, những người chỉ có một nguồn thu nhập chính từ lương. Chứ nếu có nhiều tiền thì bỏ qua bước này và ra salon tậu một em về xe hơi về ngay bạn nha!

Lương bao nhiêu thì nên mua xe hơi là câu hỏi gây nhiều tranh cải trên mạng xã hội. Nhiều người quan niệm rằng cứ mua đại đi thì mới có mà dùng, nó còn đó chứ có mất đi đâu. Nhịn ăn nhịn mặc một tí có chiếc xe đi lại thích hơn không nào?

Vì giờ mua xe hơi dễ òm à, chỉ cần bạn có đi làm ăn lương khoảng chục triệu trở lên; Có khoảng 100 triệu trong tay là ngân hàng bao từ a tới á luôn. Việc còn lại là chia nhỏ các khoản phải trả hàng tháng ra trong 5 đến 10 năm là chạy xe về nhà trong một nốt nhạc

Còn với những người có nền tảng kiến thức tài chính cá nhân, thì thường họ sẽ phân tích kỹ hơn. Họ đặt ra các tình huống rủi ro nếu trong quá trình trả góp mình bị đứt nguồn thu nhập chính do mất việc, ốm đau bất ngờ...Nên thường họ chỉ sở hữu xe hơi khi đạt ngưỡng tài chính an toàn.

Nên theo mình, bạn chỉ nên mua xe hơi nếu số tiền trả trước của bạn chiếm trên 60% giá trị chiếc xe; Mức trả góp hàng tháng nhỏ hơn 30% thu nhập của bạn; Thời hạn góp không nên quá 5 năm. Đây là một ngưỡng đảm bảo an toàn tài chính cho bạn, để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra với bản thân và gia đình.

Hoặc bạn có thể cân nhắc chọn một chiếc xe có giá thấp hơn một chút, ai cũng sẽ có tâm lý ráng thêm một chút có sao đâu, nợ cũng nợ rồi. Thay vì mua chiếc 600tr thì thôi thêm 100tr lại có thêm công nghệ này, công nghệ kia...Đây là chiêu bán hàng mà các bạn sales rất hay áp dụng. Bạn nhớ lưu ý để không vung tay quá trán.

Không có câu trả lời nào chính xác cho tình huống này cả. Bạn đừng để cảm giác muốn sở hữu mà bạn biến nó thành nhu cầu cấp thiết phải có để nhanh chóng mua nó. Bất chấp việc bạn phải dùng hết nguồn tiền dự phòng những rủi ro trong cuộc sống. Lựa chọn nào chắc chắn là do bạn quyết định.

Nên mua xe hơi trước hay mua nhà trước?

Khi đã dành dụm được một khoản tiền nhất định, điều người ta thường nghĩ đến là mua nhà và mua xe hơi. Nhưng nên mua cái nào trước cái nào sau? Theo mình để trả lời câu hỏi nên mua xe hơi trước hay mua nhà trước thì chính bạn mới là người trả lời chính xác nhất. 

Từ thực tế mình thấy thì có một số bạn chưa có nhà thành phố nhưng vẫn mua xe hơi trước. Vì bạn ấy thích cuộc sống xê dịch hơn, còn nơi ở thì làm ở đâu thì thuê nhà ở đó mà không bị bó buộc về địa điểm. Còn chiếc xe để bạn ấy đi phượt, du lịch bụi và kết hợp chạy dịch vụ, làm Vlog, Blogger du lịch...

Một số bạn có quan niệm sống truyền thống hơn thì suy nghĩ an cư mới lạc nghiệp, nên chắc chắc sẽ chọn mua nhà trước. Có cái che nắng che mưa, che tổ ấm. Dù sau này có khó khăn thì cũng có cái để ra vào, hoặc xa hơn là để làm của hồi môn cho con, cho cháu.

Qua các phân tích trên thì rõ ràng ai cũng thích sở hữu một chiếc xe hơi cả chứ khổng chỉ riêng một mình bạn đâu. Nhưng thích và sở hữu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hãy căn cứ trên thực tế tài chính và nhu cầu hiện tại của bạn để đưa ra quyết định sáng suốt và hợp lý bạn nhé!

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook