Ổn định tài chính là gì? Bí quyết để ổn định tài chính cho người mới đi làm
Trong thế giới đầy thách thức và cạnh tranh ngày nay, việc ổn định tài chính không chỉ là một mục tiêu mà nhiều người đều khao khát, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa và giá trị. Nhất là khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp, việc hiểu rõ về tài chính cá nhân và có kế hoạch cụ thể là chìa khóa để đạt được ổn định tài chính trong tương lai. Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những kiến thức, chiến lược và bí quyết giúp bạn xây dựng nền tài chính ổn định.
Ổn định tài chính là gì?
Không phải ai cũng may mắn để khi sinh ra là đã có mọi thứ trong tay: nhà lầu, xe hơi, đất cò bay thẳng cánh, của ăn của để tiêu ba đời không hết. Vâng, đó là ước mơ của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng một ai cả.
Nhưng chỉ một số rất ít may mắn có được điều đó. Còn lại đa số như mình và bạn thì phải chật vật để vươn lên, có người bắt đầu từ số 0, và cũng có người phải bắt đầu từ số âm - tức là gia đình còn đang nợ nần chồng chất chứ không chỉ là nghèo.
Và bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn các bí quyết để có thể đạt mức ổn định tài chính, nó khác với giàu có nha các bạn. Tức là bạn có thể sống được một cuộc sống thoải mái ở mức tiêu chuẩn trong một khoảng thời gian nhất định nếu có bất kỳ biến cố cuộc sống nào xảy ra.
Đây cũng là tiền đề quan trong cho bạn thoát nghèo, trước khi bước lên một nấc thang mới là dư dã về tài chính. Lưu ý, bài viết mang quan điểm cá nhân và mình cũng không phải là chuyên gia, mà chỉ đơn giản là chia sẻ lại những điều mà mình cảm thấy đúng để bạn có thể tham khảo thêm.
Tiết kiệm sớm và đều đặn
Đa số chúng ta đều từng nghĩ đến việc tiết kiệm khi bắt đầu đi làm. Nhưng từ năm này qua năm nọ, bạn đều không thể thực hiện được. Chỉ vì một lý do đơn giản là bạn mới đi làm mà, chưa đủ ăn đủ tiêu, chưa tới ngày nhận lương đã cháy túi, mượn đầu mượn đuôi, thì làm sao mà để dành. Bạn có biết tại sao không? Vì chúng ta thường có thói quen:
[Thu nhập] - [Chi tiêu] = [Tiết kiệm]
Có nghĩa là chúng ta chi tiêu trước, sau đó còn lại bao nhiêu mới tiết kiệm. Không phải có thật nhiều mới để dành, thu nhập ít thì tiết kiệm ít. Nên bạn hãy làm ngược lại nhé: Căn cứ trên thu nhập, trích ra một khoản tiết kiệm và số tiền còn lại là để chi tiêu. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm chỉ với 200k đến 500k/tháng hoặc nhiều hơn tuỳ theo thu nhập thực tế của bạn. Và nhớ, tuyệt đối không đụng đến số tiền để dành này.
Hiện tại có rất nhiều cách để tiết kiệm khác nhau. Có bạn vẫn thích sử dụng cách truyền thống là bỏ heo đất cho đến khi đạt một ngưỡng nào đó thì mang gửi ngân hàng hoặc mua đô, mua vàng; Hoặc có bạn khá hơn thì cứ lãnh lương về là mua nữa chỉ vàng để đó, không quan tâm lãi lỗ vì chỉ mục đích để dành.
Còn một số bạn khác lại thích gửi tiết kiệm online rất thuận tiện với số tiền nhỏ hàng tháng, để đảm bảo khoản tích luỹ này có sinh lãi. Theo mình thì cách nào mà bạn cảm thấy phù hợp và dễ thực hiện đều đặn, an toàn thì áp dụng chứ không cần quá cứng nhắc.
Một số bạn trẻ có phong cách sống Yolo - You only live once, có quan niệm tiết kiệm là không thông minh vì tỷ lệ sinh lời của nó rất thấp, đâu đó chỉ có thể bù lại được tỷ lệ lạm phát - tức là tỷ lệ mất giá của đồng tiền hàng năm. Mình cũng hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này. Tuy nhiên, việc tiết kiệm giúp bạn tạo thói quen để dành cho những trường hợp khẩn cấp; Và khi có một số vốn nhỏ trong tay rồi bạn mới dám nghĩ đến bậc cao hơn là tìm kênh đầu tư sinh lợi khác.
Kiểm soát chi tiêu
Bạn cần phải cân nhắc kỹ trước khi chi tiêu vào các món đồ xa xỉ hoặc món đồ chưa thực sự cần thiết. Hãy luôn đặt câu hỏi: Món đồ này là cái mình cần hay là cái mình muốn. Nếu chỉ là cái mình muốn, hãy mua nó vào dịp khác.
Các cửa hàng luôn có chương trình giảm giá, kèm thông điệp giảm giá chỉ trong một ngày, mục đích là kích thích ham muốn mua sắm của bạn: Lỡ không mua hôm nay thì không bao giờ có cơ hội mua nó. Nhưng bạn hãy tin tôi đi, điều nầy diễn ra rất thường xuyên.
Đồng thời hãy chia thu nhập thành các phần khác nhau: Chi tiêu cơ bản, chi phí học hành, chi phí xã giao...Chi phí nào là bắt buộc phải chi trả và không thể giảm bớt, những chi phí nào có thể giảm được. Điều này sẽ giúp bạn không phải quá hà tiện, nhưng cũng không lãng phí. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Kiếm được nhiều tiền hơn
Bên cạnh việc tích lũy một khoản đề phòng các phát sinh, rồi các bước cân đối chi tiêu. Thì việc tiếp theo đó chính là tìm cách để kiếm được nhiều tiền hơn. Tất nhiên ai cũng muốn điều đó, nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
Cho nên, nếu bản thân chỉ có thu nhập từ lương, phải luôn cố gắng hoàn thiện mỗi ngày, nâng cao các kỹ năng, tạo mối quan hệ để có cơ hổi tăng thu nhập hoặc thêm nhiều cơ hội lựa chọn công việc khác khi thích hợp. Có như vậy mới có thể tăng khoản để dành và tăng khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư trong tương lai gần.
Có những lựa chọn đầu tư thông minh
Và đến bước cuối cùng đó là gia tăng tài sản bằng cách lựa chọn những cơ hội đầu tư thông minh. Đi làm một thời gian, chúng ta thường có xu hướng nghĩ đến việc tìm thêm 1 cơ hội kinh doanh hay đơn giản là đầu tư. Nhưng đa số chúng ta chỉ nghĩ, chứ thường không thực hiện được. Vì đi làm được bao nhiêu tiêu xài hết rồi lấy gì mà đầu tư, kinh doanh. Cho nên, đây là lý do mà bạn không thể bỏ qua các bước 1, 2, 3 ở trên.
Đi vay ngân hàng thì không khả thi lắm, vì chắc gì lợi nhuận thu về đã cao hơn lãi vay. Cho nên, đây chính là một cái lợi của việc tiết kiệm sớm. Có những lựa chọn đầu tư thông minh cộng thêm chút may mắn, nó sẽ góp phần gia tăng thu nhập thụ động cho chúng ta. Để sớm hoàn thành mục tiêu ổn định tài chính cá nhân.
Có một số bạn sử dụng đòn bẩy tài chính - Tức là vay tiền của ngân hàng để đầu tư. Điều này không hẵn là xấu, nhưng bạn hãy chắc ràng mình đã có một kế hoạch kinh doanh cụ thể, có tính toán dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận hàng tháng ở mức min và max để đảm bảo có thể chủ động được khoản phải trả lại hàng tháng cho ngân hàng. Và phải có bước xác định tình huống xấu nhất xảy ra.
Đồng thời, nếu bạn chọn kinh doanh thêm một cái gì đó khi còn đi làm, thì hãy lưu ý là việc này không ảnh hưởng đến công việc hiện tại của bạn. Còn nếu bạn dành 100% thời gian để làm kinh doanh thì cũng như mình vừa nói trên, hãy có một kế hoạch chi tiết về khả năng sinh lợi, tài chính của bạn sẽ cầm cự được bao lâu khi chưa có nhiều khách hàng...Nói tóm lại là hãy có một kế hoạch rõ ràng chứ không phải làm theo cảm hứng nhất thời.
Còn nếu bạn chọn đầu tư thì có thể tham khảo các kênh như: Bât động sản, chứng khoán, mua các quỹ đầu tư...Lưu ý là các kênh đầu tư này sẽ có tỷ lệ rủi ro khá cao. Hãy đầu tư một khoản nhỏ để có kinh nghiệm trước, sau đó mới rót tiền nhiều hơn. Và bạn cũng phải lường trước tình huống xấu nhất nếu bạn thua lỗ thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến các nhu cầu sống cơ bản của bạn và gia đình.
Nói đơn giản hơn là khi bạn tích lũy được 200 triệu, bạn có thể đem đầu tư chứng khoán khoảng từ 30 - 50 triệu tùy theo kiến thức, kinh nghiệm và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn lúc đó. Theo mình là đừng đem hết số tiền bạn dành dụm được trong nhiều năm để đầu tư mạo hiểm, sẽ không an toàn cho sức khỏe tài chính của bạn. Được ăn cả, ngã về không sẽ không đúng trong trường hợp này.
Trong 4 bước để giúp một cá nhân ổn định tài chính mà mình cùng nhau phân tích, thì rõ ràng là mục 3 và 4 sẽ khó hơn hoặc bạn chưa tới giai đoạn đó. Nhưng còn mục 1 và 2 thì có thể nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Cho nên, hãy thay đổi ngay thói quen chi tiêu và tiết kiệm ngay từ bây giờ, sau đó chuyển sang bước 3 và bước 4 càng sớm càng tốt.
Vài chia sẻ nhỏ trên đây, hy vọng bạn sẽ cảm thấy có ích và sẽ làm chủ được nguồn tài chính cá nhân hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công.
Join the conversation