Xem video English lesson for job interviews trên Tiktok. XEM NGAY

Thẻ tín dụng là gì? Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng bạn cần biết

Tìm hiểu 10 bí kíp sử dụng thẻ tín dụng thông minh để tiết kiệm và tận dụng lợi ích của thẻ.

Trong một lần nói chuyện với các bạn đồng nghiệp, Thành khá ngạc nhiên khi nhiều bạn đi làm trên 3 năm rồi nhưng vẫn không rõ thẻ tín dụng là gì? Trước giờ đi làm thì khi có lương chuyển khoản vào tài khoản ATM thì rút ra tiêu xài thôi.

Thậm chí có bạn còn chưa từng sử dụng thanh toán online bằng thẻ, mua hàng thì chọn ship COD - Nhận hàng mới trả tiền cho chắc kèo. Việc các bạn nhân viên văn phòng bỏ qua các tiện ích của thẻ tín dụng theo mình là một điều đáng tiếc trong cuộc sống số hiện nay. 

Thẻ tín dụng là gì? Thủ tục phát hành thẻ

Thẻ tín dụng (Còn gọi là Credit Card) có hình dạng giống thẻ ATM mà ta thường sử dụng rút tiền mặt. Để dễ dàng phân biết mình đưa ra ví dụ dưới đây:

Thẻ ATM: Theo cách truyền thống thì bạn chỉ cần mang CMND đến bất kỳ Ngân hàng nào đều có thể phát hành thẻ, thời gian chờ khoảng 1 giờ đến 1 tuần sau là có thể sử dụng. Còn hiện nay, bạn có thể ở nhà vẫn có phát phát hành tài khoản ngân hàng và thẻ ATM một cách nhanh chóng và hoàn toàn online từ app ngân hàng. 

Bạn có thể trải nghiệm việc mở tài khoản và thẻ thanh toán hoàn toàn online bằng công nghệ e-KYC của các Ngân hàng như: VPBank, CIMB, Tnex, MSB, VIB, Vietinbank...Chỉ cần vài bước chụp ảnh CMND, chụp ảnh selfie là có ngay một tài khoản xịn xò và chuyển khoản liên ngân hàng hoàn toàn miễn phí luôn.

Việc còn lại của bạn bây giờ là nạp tiền vào tài khoản và bắt đầu sử dụng thôi nào. Bạn lưu ý là với tài khoản và thẻ ATM thì bạn sẽ bị giới hạn chi tiêu trên số tiền bạn có trong tài khoản của mình. Hiểu nôm na như thuê bao điện thoại trả trước, nạp tiền vào thì mới sử dụng được.

Thẻ tín dụng: Để có được chiếc thẻ tín dụng thì không đơn giản như thẻ ATM. Bạn phải nộp hồ sơ chứng minh thu nhập (Ví dụ như sao kê lương) + Một số giấy tờ khác như Sổ hộ khẩu, CMND...Tùy thuộc mỗi ngân hàng sẽ có mỗi yêu cầu khác nhau: Ví dụ: Thu nhập tối thiểu bao nhiêu, nếu ở trọ ở TP. HCM thì phải có KT3, hoặc hóa đơn điện nước...

Hiện tại thì các Ngân hàng đã có chính sách cởi mở hơn, chỉ cần bận mở tài khoản thanh toán và duy trì số dư tối thiểu hàng ngày trên 10 triệu tùy ngân hàng và không có quy định chung bạn nhé! Hoặc gửi 1 khoản tiết kiệm >30 triều trên 6 tháng liên tục thì có thể được ngân hàng chào mời mở thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập. Ngân hàng có chính sách này và cấp thể khá dễ đó là Ngân hàng VPBank.

Thêm một tin vui nữa, là hiện tại bạn có thể mở thẻ tín dụng hoàn toàn online, không chứng minh thu nhập, không nộp hồ sơ...đó là thẻ tín dụng VIB Online 2in1. Chỉ khoảng 30 - 60 phút là bạn đã có một thẻ tín dụng ảo để sử dụng, thẻ cứng sẽ được gửi đến địa chỉ nhà bạn trong vòng 5 - 7 ngày làm việc. Thật tuyệt vời phải không nào. Tuy nhiên, đa số những người mở thẻ này thành công thì ít nhất đã có lịch sử tín dụng trên CIC rồi bạn nhé!

Và khi bạn mở thẻ tín dụng bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp hay mở online, thì khi ngân hàng thẩm đạt bạn đáp ứng được yêu cầu, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức trong thẻ, chẳng hạn 10 triệu. Bạn có quyền chi tiêu trong giới hạn được cấp này mà không cần nạp tiền trước như thẻ ATM. 

Hàng tháng, vào một ngày cố định nào đó, Ngân hàng sẽ gửi sao kê lịch sử dụng thẻ của bạn đã chi tiêu mua sắm, cà thẻ...và yêu cầu bạn thanh toán lại số tiền đã dùng. Có thể hiểu gần giống như thuê bao điện thoại trả sau. Bạn được cấp một khoản tiền trong thẻ và chi tiêu trước, sau đó mới trả lại cho Ngân hàng.

Với thẻ tín dụng thì bạn được miễn lãi hoàn toàn tối đa 55 ngày tùy dòng thẻ. Tức là bạn chỉ cần đóng lại đúng số tiền mà bạn đã chi tiêu mà ngân hàng đã gửi sao kê cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thanh toán trễ sẽ bị phát sinh khoản phạt và bị tính lãi số tiền đã chi tiêu khá cao. Nên cần lưu ý bạn nha.

Hạn mức thẻ tín dụng

Như mình có nói qua ở trên, khi bạn nộp hồ sơ phát hành thẻ, thì tùy theo độ uy tín của bạn căn cứ vào sao kê lương, lịch sử tín dụng của bạn trên CIC mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn một số tiền để bạn có thể chi tiêu trước và trả sau. Số tiền này gọi là hạn mức tín dụng.

Nếu bạn mới sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng lần đầu thường bạn sẽ được cấp hạn mức khá thấp, khoảng từ 10 - 20 triệu. Tức là bạn chỉ được chi tiêu trong giới hạn số tiền này. Tuy nhiên, kho bạn sử dụng thẻ tín dụng này lâu, đều đặn và luôn trả đúng hạn, thường là trên 1 năm thì Ngân hàng có thể xem xét và tự động gửi thông báo mời bạn nâng hạn mức thẻ tín dụng lên cao hơn mà bạn không cần phải bổ sung bất kỳ giấy tờ nào.

Thanh toán dư nợ thẻ

Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi chi tiết những giao dịch bạn đã sử dụng như: quẹt thẻ trực tiếp tại của hàng, các giao dịch mua sắm online, rút tiền mặt...Đồng thời yêu cầu bạn thanh toán lại số tiền này. Thường ngân hàng đưa ra 2 lựa chon cho bạn là thanh toán tối đa và thanh toán tối thiểu.

Thanh toán tối đa: Tức là phải sẽ phải thanh toán hết 100% số tiền bạn đã chi tiêu và lên sao kê của tháng đó. Lúc này bạn sẽ được miễn lãi tối đa 55 ngày (tùy dòng thẻ bạn sử dụng) và không mất thêm khoản tiền nào chênh lệch so với khi bạn sử dụng tiền mặt mua sắm.

Thanh toán tối thiểu: Tùy theo từng quy định của ngân hàng, thông thường là 5 - 10% trên tổng số tiền bạn đã chi tiêu của kỳ sao kê đó. Tức là bạn được quyền chỉ trả số dư tối thiểu trước, khi nào có tiền đủ bạn sẽ trả tiếp cho hết. 

Tuy nhiên, mình khuyến nghị các bạn không nên thanh toán tối thiểu và phải thanh toán tối đa. Bởi vì khi thanh toán tối thiểu, thì tổng số tiền bạn đã chi tiêu của tháng đó sẽ bị tính lãi kể từ ngày bạn cà thẻ luôn, chứ không phải từ ngày sao kê bạn nha. Rât nhiều bạn không hiểu dẫn đến việc trả lãi oan, cũng như làm xấu lịch sử tín dụng của bạn.

Sử dụng thẻ tín dụng ở đâu?

Khi mua sắm trực tiếp, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để cà thẻ tại các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán qua máy POS của cửa hàng, thay vì bạn phải mang theo nhiều tiền mặt để trả. Điều này thật tiện lợi khi bạn mua các bạn mua các món hàng có giá trị lớn.

Bạn cũng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho việc mua hàng online trên các trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Aeon...hoặc bất cứ trang web nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều khuyến mãi giảm giá đi kèm khi bạn mua hàng online và trả bằng thẻ.

Một chức năng khác của thẻ tín dụng là bạn có thể rút tiền mặt. Tuy nhiên, tuyệt đối bạn không nên rút tiền mặt vì sẽ bị tính phí rút tiền khá cao lên đến 4% tổng số tiền bạn rút, đồng thời còn bị tính lãi từ thời điểm rút tiền với lãi suất lên đến 30 - 40%/năm. Bởi vì thẻ tín dụng thiên về việc để chi tiêu mua sắm hơn. 

Vậy nên, hãy chỉ rút tiền từ thẻ tín dụng trong các tình huống vô cùng khẩn cấp hoặc bất khả kháng. Ví dụ như bạn không còn cách nào để xoay sở tiền mặt và đây là giải pháp cuối cùng bạn phải thực hiện. Và hãy thanh toán số tiền bạn đã rút này ngay khi bạn có tiền và sớm nhất có thể nhé!

Nên dùng thẻ tín dụng Visa hay Master?

Visa hay Master chỉ là những đơn vị phát hành thẻ, các Ngân hàng tại Việt Nam là đại lý trung gian. Tùy thuộc mỗi thương hiệu, sẽ có những điểm liên kết ưu đãi khác nhau. Ví dụ: Cà thẻ Visa được giảm 5% tại công ty du lịch A, còn dùng thẻ Master thì được hoàn tiền 10% tại cửa hàng B chẳng hạn.

Tức là Visa và Master thường kết hợp với các Ngân hàng trung gian phát hành thẻ để đưa ra các khuyến mãi, hoàn tiền để kích cầu người sử dụng chi tiêu qua thẻ tín dụng nhiều hơn. Mỗi loại thẻ sẽ có những chương trình khác nhau, nên theo mình bạn có thể sử dụng cả 2 dòng thẻ này để tận dụng tối đã các lợi ích. Nhưng đừng sử dụng trên 3 thẻ tín dụng bạn nhé!

Hy vọng qua bài viết Thẻ tín dụng là gì này, bạn đã nắm được tổng quan và có một quyết định về việc bên sử dụng nó hay không. Chúc các bạn sẽ có một kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả khi đi làm.

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook